“Anh ơi, sao tàu này đỗ mà treo nhiều cờ thế, còn tàu kia đang chạy lại chỉ có 2 cái?” - Đấy là câu hỏi mà người viết “giả vờ” không biết, hỏi thử một bạn “mắt ngây thơ má hồng” đứng bên cạnh vào dịp dự lễ đón nhận một tàu biển vừa cập bến cảng thì bạn ấy chỉ “cười cười” (lộ rõ cả lúm (đáng) đồng tiền) và lắc đầu.
Chúng ta thường thấy trên tàu biển hoạt động ở cảng hay tàu sắp được hạ thủy có treo nhiều loại cờ trông khá đẹp mắt. Không phải là tàu “bắt chước” nhiều bạn gái luôn “tạo dáng” hay “tút” lại dung nhan (vì tàu biển/tàu thủy được gọi là “she”), mà tác dụng chính của những lá cờ đó là “truyền thông” (trao đi đổi lại cái… thông tin).
Bạn nhìn xa xa kia, có mấy con tàu treo lá cờ hình chữ nhật gồm các vạch vàng và xanh thẫm xen kẽ nhau theo chiều ngang. Lá cờ ấy có nghĩa là “I require a pilot”. Những tàu đó đang cần hoa tiêu để dẫn tàu ra vào cảng, di chuyển trong cảng hay trên các vùng nước, eo biển cần có người “đưa đường chỉ lối”.
Còn chiếc tàu đang chạy qua trước mặt chúng ta treo 2 lá cờ, đều hình chữ nhật, một chiếc có 2 màu, một nửa màu đỏ ở phía bên phải, nửa kia màu trắng ở bên trái, có nghĩa là “Hoa tiêu đang ở trên tàu của tôi” (I have a pilot on board);còn lá cờ kia cũng hình chữ nhật, màu vàng, có nghĩa là mọi thuyền viên trên tàu đều khỏe mạnh (về mặt y tế, không có ai bị ốm đau gì), xin phép “quý cảng” cho tàu được “zô”, được tiếp xúc trực tiếp (physical) với người trên bờ) - “tàu tôi khỏe mạnh, xin phép vào cảng” (my vessel is healthy and I request free pratique).
Có những vụ tai nạn hàng hải rất “buồn cười” vì hai tàu cùng “lượn” vào đúng chỗ gặp nhau để… “hôn nhau”. Vì vậy, khi cần, phải biết tàu kia “đi về đâu hỡi em” để tránh gặp nhau (nghiêm trọng) thì ở… đáy biển. Có thể có bạn chưa biết rằng “phanh” của tàu biển không “ăn” như phanh ôtô, mà chỉ có thể quay ngược chân vịt (screw) hết tốc độ (full speed astern), mà “she” thì cứ hay “quá trớn”. Hãy dùng lá cờ hình chữ nhật, chia đôi theo chiều dọc, nửa trên màu xanh thẫm, nửa dưới màu đỏ: “tôi đang chuyển hướng sang bên phải” (I am altering my course to starboard) hay cờ cũng hình chữ nhật, nền màu vàng, có một hình tròn màu đen ở giữa: “Tôi đang chuyển hướng sang bên trái” (I am altering my course to port).
Bạn hãy nhìn, cái tàu kia làm sao mà mấy tàu đang chạy đến gần nó lại “tránh voi…” - Đấy là vì nó treo lá cờ hình chữ nhật, chia làm 3 phần theo chiều ngang, phần ở giữa màu xanh thẫm, 2 phần còn lại có cùng màu vàng: “tránh xa tôi ra, tôi đang di chuyển rất khó khăn” (keep clear of me, I am manoevering with difficulty). Cờ này có thể gắn vào các bạn “bầu” làm ở các công ty hàng hải cũng được, vừa “yêu nghề” vừa để các anh “cẩn thận” hoặc… không cần “cẩn thận”.
Bạn mà trông thấy lá cờ hình chữ nhật, có 2 màu đỏ và vàng được chia đôi bởi đường chéo từ trên xuống, từ trái sang phải thì hãy… bình tĩnh mà giúp họ trong khả năng có thể vì đó là “man overboard” (tàu của tôi có người bị rơi/ngã xuống nước).
Dân hàng hải có tình thương rất… “mến thương”. Đang hành trình trên biển mà thấy tàu khác có sơ suất là báo giúp liền. Cờ hình chữ nhật, nền xanh thẫm, ở giữa có hình chữ nhật màu trắng: “Bồ ơi”, tàu của “cưng” chưa bật đèn hay đèn bị cháy đấy nhá! Nhưng hãy cẩn thận kẻo nhầm, nếu tàu đó đang ở trong cảng mà treo cờ ấy thì lại có nghĩa là “Toàn bộ thuyền viên đã ở trên tàu và tàu sắp sửa ra khơi” (chứ không phải là “cả làng” chưa bật đèn hay đèn cháy hết hay sao (The Blue Peter - all aboard, vessel is about to proceed sea. (At sea) your lights are out or burning badly).
Có bao nhiêu chữ cái (A, B, C…) thì có bấy nhiêu lá cờ với ý nghĩa khác nhau và còn có những lá cờ để chỉ các con số (numeric pennants), cờ dùng để trả lời (answering pennant), cờ thay thế (substitute pennants)…
Tàu “đỗ mà treo nhiều cờ” chính là tập hợp những lá cờ hiệu hàng hải quốc tế (International Maritime signal flags) nói trên thành dây cờ và cùng với Quốc kỳ để “trang hoàng” khi tàu neo đậu ở cảng. Tùy luật lệ của mỗi nước, thường là vào ngày lễ lớn, thì treo một dây cờ hiệu hàng hải quốc tế từ cột mũi đến cột lái của tàu qua xà ngang các cột trước và cột chính. Ở đỉnh cột trước, cột chính và cột lái đều treo Quốc kỳ; cột mũi treo cờ hiệu chủ tàu (nếu có). Nếu tàu đang bốc dỡ hàng hóa thì phải trang trí sao cho không ảnh hưởng đến việc làm hàng của tàu; vào ngày lễ khác thì treo một dây cờ hiệu hàng hải quốc tế từ cột mũi đến cột trước, một dây thứ hai từ cột chính đến cột lái. Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột trước, cột chính và cột lái, và việc dùng cờ hiệu hàng hải quốc tế để trang hoàng phải chọn cờ có kích thước, màu sắc phù hợp để dây cờ đẹp, trang nghiêm. Không được sử dụng Quốc kỳ, quân kỳ, cờ chức vụ, cờ chữ thập đỏ của quốc gia và các nước để trang hoàng trong dây cờ lễ.
Trên tàu có treo một lá cờ rất “dễ hiểu” đó là Quốc kỳ (National flag), được treo ở đỉnh cột phía lái hoặc treo ở đỉnh cột chính nếu không có cột lái và được kéo lên lúc mặt trời mọc và hạ xuống lúc mặt trời lặn hàng ngày (trừ mùa đông, có sương mù, cờ được kéo lên vào thời điểm có thể nhìn thấy được). Nhiều quốc gia còn quy định Quốc kỳ được kéo lên sớm hơn hoặc hạ xuống muộn hơn thời gian quy định trong những trường hợp như tàu vào, rời cảng; gặp tàu quân sự “đồng hương” hoặc 2 tàu “đồng... khói” nhìn thấy nhau. Khi có nguyên thủ quốc gia hay “quan to” (có quy định chức vụ cụ thể) ở trên tàu, ngoài Quốc kỳ treo ở đỉnh cột phía lái còn phải treo thêm một Quốc kỳ ở đỉnh cột chính và chỉ được phép hạ xuống khi các vị khách nói trên đã rời khỏi tàu.
Ngoài ra, còn nhiều quy định khác, ví dụ như trong những ngày lễ lớn hay những ngày đặc biệt của quốc gia, Quốc kỳ phải được kéo lên theo nghi lễ chào cờ. Khi tàu hành trình trên biển và trong điều kiện thời tiết cho phép, ngoài Quốc kỳ treo ở đỉnh cột phía lái còn phải treo thêm Quốc kỳ ở đỉnh cột chính. Khi tàu neo, đậu ở cảng nước ngoài, Quốc kỳ phải được kéo lên trước và hạ xuống sau Quốc kỳ của nước có cảng mà tàu đang đậu. Khi hành trình trên lãnh hải hoặc vào, rời hay neo đậu trong vùng nước cảng biển nước ngoài, tàu phải treo Quốc kỳ nước đó ở cột chính của tàu. Quốc kỳ phải được treo ở trạng thái mở và trong ngày quốc tang, Quốc kỳ phải được treo theo nghi thức tang lễ...
Suýt nữa thì quên, trước khi dừng bút, không chỉ được treo trên tàu biển, những dây cờ kia còn được treo ở “Tổng hành dinh hàng hải” (như Cục Hàng hải Việt Nam) dạo nào hay ở các công ty hàng hải vào những dịp kỷ niệm, ngày lễ... cho thêm phần “pờ-rô” (professional) và “đố vui” (không có thưởng) dân chúng qua đường (phần nhiều là không hiểu nhưng rất “nể”... trụ sở; như ta “phục” nhà bác học Anh-sờ-tanh (Albert Einstein 1879 - 1955) mặc dù chả hiểu (tí) gì về nhiều công trình nghiên cứu nổi tiếng của ông, ví dụ như “theory of relativity” hay “relativistic cosmology”...
NGÔ KHẮC LỄ
Nguồn bài viết: [You must be registered and logged in to see this link.]